Phân biệt tài sản và nguồn vốn doanh nghiệp DỄ HIỂU & CHI TIẾT nhất

Tài sản và nguồn vốn là hai khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong kế toán. Đã học và làm về kế toán thì bắt buộc phải hiểu được về tài sản, hiểu được về nguồn vốn. Xem ngay bài viết dưới đây để biết cách phân biệt tài sản với nguồn vốn một cách chính xác nhất.

1. Tài sản và nguồn vốn phân biệt như thế nào?

Tài sản và nguồn vốn không chỉ khác nhau về tên gọi mà 2 khái niệm này cũng hoàn toàn khác nhau. Để phân biệt tài sản với nguồn vốn thì trước hết bạn cần phân biệt được khái niệm, phải biết tài sản là gì và nguồn vốn là gì.

1.1. Tài sản là gì? 

Tài sản hiểu đơn giản là toàn bộ các nguồn lực kinh tế. Nguồn lực kinh tế này sẽ được đơn vị chủ quản của doanh nghiệp nắm giữ. Đơn vị chủ quản của doanh nghiệp có thể là tổ chức, cá nhân, cổ đông góp vốn để thành lập công ty.

Tài sản phải được sử dụng nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp và phải thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Được đơn vị chủ quản nắm quyền sở hữu, sử dụng và kiểm soát trong một khoảng thời gian dài.
  • Tài sản có giá phí xác định
  • Đơn vị chủ quản xác định chắc chắn sẽ thu lại được lợi ích cho mình trong tương lai.

Tài sản hiểu đơn giản là toàn bộ các nguồn lực kinh tế

1.2. Nguồn vốn là gì?

Nguồn vốn chính là các quan hệ tài chính của doanh nghiệp. Thông qua các quan hệ tài chính, doanh nghiệp có thể khai thác hoặc huy động để làm tăng khối tài sản của công ty. Hay nói cách khác dễ hiểu hơn, nguồn vốn chính là nguồn hình thành lên tài sản của doanh nghiệp.

Dựa vào nguồn vốn, doanh nghiệp sẽ biết được tài sản do đâu mà có. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về kinh tế và cả pháp lý cho tài sản của doanh nghiệp.

Nguồn vốn là gì?

Nguồn vốn sẽ là cơ sở để doanh nghiệp có thể xác định được vị trí cũng như đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất theo đúng mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại cũng như sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, nguồn vốn càng nhiều thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường càng mạnh. Vốn là cơ sở để doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, thâm nhập vào các thị trường tiềm năm nhằm mục đích nâng cao uy tín và nâng cao doanh thu của doanh nghiệp.

Dựa vào 2 khái niệm trên thì về cơ bản tài sản và nguồn vốn có khái niệm khác nhau. Thế nhưng, về bản chất thì tài sản và nguồn vốn lại có sự liên quan mật thiết đến nhau.

2. Phân loại tài sản

Để phân loại tài sản và nguồn vốn, trước hết, bạn cần phải nắm được các loại tài sản có trong doanh nghiệp. Khi đó, bạn mới có thể quản lý vốn và đưa ra các báo cáo tài chính một cách chính xác và hiệu quả. Tài sản của doanh nghiệp gồm có 2 loại:

2.1. Tài sản ngắn hạn

Với doanh nghiệp, tài sản ngắn hạn chính là những loại tài sản có giá trị thấp và có thời gian sử dụng ngắn trung bình khoảng 12 tháng hoặc trong 1 chu kỳ kinh doanh. Tài sản ngắn hạn thường được sử dụng để đưa vào sản xuất, lưu thông, phục vụ cho các kế hoạch đầu tư ngắn hạn với mục đích đảm bảo khả năng thanh toán, khả năng sinh lời, tránh lãng phí.

Tài sản ngắn hạn

Tài sản ngắn hạn cũng thường xuyên thay đổi trong quá trình sử dụng cả về hình thái và giá trị. Loại tài sản này gồm có:

Tiền 

Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp là tiền gồm có tiền mặt (tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ), tiền gửi ngân hàng, tiền đang được chuyển khoản hoặc các khoản tương đương có giá trị như tiền có thể kể đến như vàng bạc, kim khí quý, đá quý.

Tiền

Những khoản doanh nghiệp đầu tư tài chính ngắn hạn

Đây chính là những khoản đầu tư mà doanh nghiệp đầu tư bên ngoài trong thời gian ngắn bằng cách sử dụng các khoản tiền rảnh rỗi với mục đích sinh lời. Thời gian thu hồi các khoản đầu tư này thường khá nhanh chóng chỉ trong một chu kỳ kinh doanh. Các khoản đầu tư có thể là đầu tư chứng khoán ngắn hạn, cho vay ngắn hạn, góp vốn liên doanh, dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn…

Những khoản doanh nghiệp đầu tư tài chính ngắn hạn

Một số khoản thu ngắn hạn của doanh nghiệp

Đây là những tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp nhưng vì lý do nào đó mà các tài khoản này bị chiếm dụng hợp pháp hoặc bất hợp pháp bởi các cá nhân, đơn vị khác. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải có trách nhiệm thu hồi lại các khoản này về trong vòng 12 tháng gồm có: các khoản phải thu khách hàng, các khoản thu hộ, khoản dự phòng khó đòi, khoản thu về thuế GTGT…

Hàng tồn kho

Hàng tồn kho chính là một phần tài sản của doanh nghiệp, được sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc bán trong kỳ kinh doanh ngắn hạn nhưng bị tồn kho lại. Hàng tồn kho sẽ bao gồm: nguyên liệu, vật liệu, dụng cụ sản xuất, hàng mua đang đi trên đường, chi phí sản xuất kinh doanh dang dở, hàng hóa, thành phẩm, hàng hóa gửi bán hoặc hàng hóa lưu trữ tại kho của doanh nghiệp… Hàng tồn kho chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp.

Hàng tồn kho

Các tài sản ngắn hạn khác

Các tài sản ngắn hạn khác là những giá trị tài sản trong các khoản ký quỹ, ký cược ngắn hạn. Bên cạnh đó, còn có các khoản tiền tạm ứng, cầm cố, các khoản chi phí trả trước ngắn hạn của công ty.

2.2. Tài sản dài hạn

Nhiều người tìm hiểu về tài sản và nguồn vốn nhưng lại chưa thực sự hiểu tài sản dài hạn là những loại tài sản như thế nào. Thực tế, tài sản dài hạn sẽ có điểm khác biệt và trái ngược so với tài sản ngắn hạn. Tài sản dài hạn là những loại tài sản có thời gian sử dụng, luân chuyển lâu dài trên 12 tháng và có thể được sử dụng trong nhiều chu kỳ kinh doanh khác nhau của doanh nghiệp.

Tài sản dài hạn của doanh nghiệp là những tài sản có giá trị lớn. Đồng thời, những tài sản này còn rất ít khi bị thay đổi hình thái giá trị trong quá trình và trong các chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Tài sản dài hạn sẽ gồm có:

Tài sản cố định

Tài sản cố định của công ty, của doanh nghiệp là những tài sản có giá trị lớn. Những tài sản này có thể được sử dụng trong nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với thời gian sử dụng trên 1 năm. Những tài sản này cũng sẽ bị hao mòn trong quá trình sử dụng. Tài sản cố định có 2 loại chính:

  • Tài sản cố định hữu hình

Đây là những tài sản được tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giữ được hình thái vật chất y nguyên như lúc đầu. Tài sản cố định hình hình có thể là nhà cửa, thiết bị, máy móc, xe cộ, thiết bị chuyên dùng cho quản lý…

Tài sản cố định

  • Tài sản cố định vô hình

Tài sản cố định vô hình sẽ là những tài sản có tham gia vào các chu kỳ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, là những tài sản không có hình thái vật chất. Tài sản cố định vô hình phải thỏa mãn các điều kiện của tài sản cố định và phải thể hiện chi phí, một lượng giá trị đầu tư nhất định mà doanh nghiệp cần phải bỏ ra để có thể có được tài sản này.

Tài sản cố định vô hình sẽ gồm có bản quyền tác giả, bản quyền thương hiệu, bằng sáng chế, phát minh, quyền sử dụng đất, bản quyền phần mềm…

Các khoản thu lâu dài

Đây chính là những tài sản hợp pháp của doanh nghiệp nhưng đang bị chiếm giữ bởi các đối tượng khác như cá nhân, tổ chức và có kỳ hạn thu hồi trên 12 tháng. Những khoản thu lâu dài, dài hạn gồm có: Các khoản thu dài hạn nội nội, các khoản thu dài hạn của khách hàng, vốn kinh doanh tại các đơn vị trực thuộc, các khoản vay lâu dài khác…

Những khoản đầu tư tài chính lâu dài

Đây là các khoản doanh nghiệp đầu tư bên ngoài có thời gian thu hồi vốn lâu dài trên 1 năm nhằm thu về lợi nhuận cho doanh nghiệp. Các khoản đầu tư tài chính lâu dài có thể kể đến như: đầu tư vào các công ty liên doanh, đầu tư vào công ty con, các khoản đầu tư dài hạn khác…

Bất động sản đầu tư 

Các loại bất động sản do doanh nghiệp đang nắm giữ hoặc đang sở hữu mang đi đầu tư nhằm mục đích mang lại lợi nhuận cho công ty cũng được tính là tài sản dài hạn. Tuy nhiên, các loại bất động sản được sử dụng với mục đích phục vụ hoạt động sản xuất thì sẽ không được coi là bất động sản đầu tư mà sẽ được tính vào tài sản cố định.

Bất động sản đầu tư

Các tài sản dài hạn khác

Ngoài ra, tài sản dài hạn còn bao gồm các tài sản dài hạn khác, là các tài sản có thời gian sử dụng hoặc thu hồi trên một năm tính tại thời điểm báo cáo. Các tài sản dài hạn khác có thể bao gồm chi phí xây dựng cơ bản dang dở, chi phí sản xuất kinh doanh dang dở, chi phí trả trước dài hạn, kỹ cược…

3. Phân loại nguồn vốn

Khi tìm hiểu về tài sản và nguồn vốn, ngoài khái niệm, phân loại tài sản thì bạn cũng nên nắm được một số thông tin cơ bản về nguồn vốn.

Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, muốn hoạt động sản xuất kinh doanh thì đều cần có lượng vốn nhất định. Đối với doanh nghiệp, vốn chính là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đó. Đồng thời, đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra liên tục, không bị gián đoạn để đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Hiện tại, nguồn vốn của doanh nghiệp sẽ bao gồm 2 loại:

3.1. Vốn chủ sở hữu

Tìm hiểu về tài sản và nguồn vốn thì chắc chắn bạn đã nghe đến cụm từ “vốn chủ sở hữu”. Thực chất, vốn chủ sở hữu chính là nguồn vốn tự có, là nguồn vốn ban đầu để xây dựng công ty do chủ doanh nghiệp tự bỏ ra. Nguồn vốn này được sử dụng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và là nguồn sử dụng dài hạn, không cam kết phải thanh toán.

Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu bao gồm 3 loại chính:

Nguồn vốn sử dụng cho việc kinh doanh

Đây chính là nguồn vốn được hình thành bởi các cổ đông tham gia góp vốn và có thể được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.

Lợi nhuận chưa được phân phối

Là số tiền lợi nhuận doanh nghiệp thu về sau thuế nhưng chưa chi trả cho chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc chưa trích nộp vào các quỹ.

Một số loại quỹ chuyên dùng

Quỹ chuyên dùng là quỹ được hình thành và lập ra bởi đơn vị kế toán từ việc phân chia lợi nhuận. Quỹ này gồm có: quỹ phúc lợi, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản…

3.2. Nợ phải trả

Nợ phải trả chính là nguồn vốn doanh nghiệp đi vay hoặc phát sinh từ các giao dịch đã qua và có nghĩa vụ, trách nhiệm phải thanh toán bằng nguồn lực của mình. Nợ phải trả là nguồn vốn đi vay nên có kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc như phải thế chấp hoặc phải chịu lãi…

Nợ phải trả

Nợ phải trả có 2 loại:

Nợ ngắn hạn

Nợ ngắn hạn là những khoản nợ của doanh nghiệp mà doanh nghiệp có trách nhiệm phải thanh toán trong thời gian ngắn với thời hạn dưới một năm hoặc dưới một chu kỳ kinh doanh. Các khoản nợ ngắn hạn có thể bao gồm tiền lương, chi phí phát sinh, các khoản phải trả nhà cung cấp, các khoản phải trả ngắn hạn khác…

Nợ dài hạn

Nợ dài hạn là những khoản nợ doanh nghiệp phải thanh toán có thời hạn trên 1 năm hoặc một chu kỳ kinh doanh trở lên. Nợ dài hạn gồm có: các khoản vay dài hạn để đầu tư phát triển doanh nghiệp, thuế thu nhập, ký quỹ dài hạn…

4. Tài sản và nguồn vốn có mối quan hệ như thế nào?

Khi tìm hiểu về tài sản và nguồn vốn bạn sẽ thấy được một điều vô cùng quan trọng đó chính là tài sản và nguồn vốn có mối quan hệ vô cùng mật thiết.

  • Bất kỳ một chủ thể kinh doanh nào muốn hoạt động thì cần phải có một lượng vốn nhất định. Lượng vốn đó có thể là vật chất hoặc phi vật chất được đo lường bằng tiền tệ gọi là tài sản.
  • Nguồn vốn chính là nguồn gốc để hình thành nên tài sản.
  • Mỗi loại tài sản bất kỳ đều được hình thành từ một hoặc một số nguồn vốn nhất định và ngược lại, nguồn vốn cũng có thể tham gia hình thành nên một hoặc một số loại tài sản khác nhau.

Dựa vào mối quan hệ của tài sản và nguồn vốn sẽ có các phương trình kế toán sau:

  • Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn.
  • Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn chủ sở hữu + Tổng nợ phải trả.
  • Tổng nguồn vốn chủ sở hữu = Tổng giá trị tài – Tổng nợ phải trả.

Với các phương trình trên, kế toán có thể dễ dàng lập báo cáo về sự biến động của tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp một cách chính xác và nhanh chóng. Thông qua báo cáo, chủ doanh nghiệp sẽ nắm bắt được số liệu cụ thể để biết được tình hình kinh doanh hiện tại của công ty như thế nào để có hướng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Tài sản và nguồn vốn đều có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Dựa vào sự biến động của tài sản và nguồn vốn mà doanh nghiệp sẽ có thể đánh giá được tình hình kinh doanh cũng như tiềm lực phát triển của doanh nghiệp để đưa ra định hướng mới trong tương lai.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.