Thặng dư vốn cổ phần là gì? Khi nào được điều chỉnh vốn điều lệ của Công ty?

Với kinh doanh nói chung và báo cáo tài chính nói riêng, có rất nhiều các thuật ngữ chuyên ngành. Trong đó, thặng dư vốn cổ phần là một trong những thuật ngữ được nhắc đến khá nhiều trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về thuật ngữ thặng dư vốn. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ kỹ hơn về thuật ngữ này!

1. Thặng dư vốn cổ phần là gì?

Thặng dư vốn cổ phần còn có tên gọi khác là thặng dư vốn trong công ty cổ phần. Thặng dư vốn trong công ty cổ phần chính là khoản chênh lệch giữa mệnh giá cổ phiếu với giá thực tế phát hành.

Thặng dư vốn cổ phần là gì?

Trong đó:

  • Phát hành cổ phiếu là hoạt động kêu gọi vốn của doanh nghiệp từ các nhà đầu tư nhằm giúp doanh nghiệp có thể gia tăng được nguồn vốn sẵn có.
  • Mệnh giá cổ phiếu: Mệnh giá cổ phiếu chính là khoản giá trị mà doanh nghiệp đã ấn định sẵn còn được gọi là giá trị doanh nghĩa.
  • Giá phát hành cổ phiếu là giá trị thực tế của cổ phiếu mà các nhà đầu tư phải bỏ ra để có thể sở hữu được cổ phiếu đó.

2. Cách tính thặng dư vốn cổ phần

Đối với hoạt động kinh doanh của nghiệp thì vốn luôn là yếu tố vô cùng quan trọng. Hiện nay, Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp khá phổ biến.

Thặng dư vốn cổ phần được hình thành dựa trên việc phát hành thêm cổ phần. Khoản thặng dư này sẽ được chuyển thành cổ phần và được kết chuyển vào vốn đầu tư trong tương lai của chủ sở hữu. Thặng dư vốn trong công ty cổ phần sẽ không được tính là vốn cổ phần của doanh nghiệp cho đến khi được chuyển đổi thành cổ phần và được kết chuyển vào vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Cách tính thặng dư vốn cổ phần

Thặng dư vốn cổ phần được tính theo công thức:

Thặng dư vốn trong công ty cổ phần = (Giá phát hành của cổ phần – Mệnh giá) x số lượng cổ phần phát hành

Để hiểu rõ hơn, bạn có thể theo dõi ví dụ sau:

Ví dụ:

Một công ty Cổ phần B thực hiện phát hành 200.000 cổ phiếu ra thị trường với mệnh giá mỗi cổ phiếu là 200.000 VND/cổ phiếu. Nếu như công ty B bán hết số cổ phiếu trên thì số tiền công ty B thu được sau khi bán cổ phiếu sẽ là 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình phân phối, Công ty B nhận thấy thị trường này rất tiềm năng, nhu cầu về cổ phiếu rất cao nên Công ty đã quyết định tăng giá lên với mệnh giá cổ phiếu là 250.000 VND/cổ phiếu. Chính vì thế, sau khi bán hết cổ phiếu, thay vì thu được số tiền dự kiến là 40 tỷ như ban đầu thì Công ty B thu về 50 tỷ.

Ví dụ về thặng dư vốn

Do đó, phần chênh lệch giữa giá phát hành cổ phiếu ban đầu với mức giá bán thực tế là 10 tỷ đồng. Tổng kết lại thì thặng dư vốn cổ phần của công ty B chính là 10 tỷ đồng.

Thực tế, Luật doanh nghiệp cho phép các doanh nghiệp có thể chào bán cổ phiếu bằng hoặc cao hơn so với mức mệnh giá cổ phần đã đăng ký. Sau khi kết thúc hoạt động chào bán, các cổ đông đồng ý mua cổ phần thì công ty sẽ tiến hành tăng vốn điều lệ của công ty.

3. Tầm quan trọng của thặng dư vốn cổ phần với doanh nghiệp

Đối với các công ty cổ phần thì thặng dư vốn cổ phần là một phần không thể thiếu và vô cùng quan trọng với các doanh nghiệp. Bởi vì, thặng dư vốn cổ phần chiếm phần lớn trong vốn chủ sở hữu. Các công ty sẽ nhận thấy rõ ràng điều này trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp mình.

Nguồn vốn sẽ là cơ sở để doanh nghiệp có thể xác định được vị trí cũng như đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất theo đúng mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng và quyết định đến sự sống còn, sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp trên thị trường kinh doanh trong tương lai.

Tầm quan trọng của thặng dư vốn cổ phần với doanh nghiệp

Đối với các doanh nghiệp, nguồn vốn càng nhiều thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường càng mạnh. Vốn là cơ sở để doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, thâm nhập vào các thị trường tiềm năm nhằm mục đích nâng cao uy tín và nâng cao doanh thu của doanh nghiệp.

Với mỗi doanh nghiệp thì sẽ có các hình thức huy động vốn khác nhau. Một trong số cách huy động vốn mà các công ty cổ phần thường sử dụng đó chính là kết chuyển nguồn vốn thặng dư nhằm bổ sung tăng vốn điều lệ.

4. Thặng dư vốn cổ phần trong công ty được quy định như thế nào?

Theo thông tư số 19/2003/TT-BTC, thặng dư vốn cổ phần được quy định rõ ràng như sau:

  • Các khoản chênh lệch tăng do hoạt động mua và bán cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp, phần chênh lệch do công ty phát hành thêm cổ phiếu mới có giá lớn hơn so với mệnh giá thì khoản chênh lệch này phải được hạch toán vào tài khoản thặng dư vốn cổ phần và cũng sẽ không được hạch toán trong thu nhập tài chính của công ty. Đồng thời, các khoản thặng dư vốn của công ty sẽ không phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.

Quy định về thặng dư vốn cổ phần

  • Trong trường hợp giá bán cổ phiếu quỹ thấp hơn so với giá mua vào hoặc cổ phiếu mới phát hành thêm có giá bán thấp hơn mệnh giá thì phần chênh lệch giảm sẽ không được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không được bù đắp bằng lợi nhuận trước thuế mà phải sử dụng vốn thặng dư để bù đắp. Trong trường hợp nguồn thặng dư vốn cổ phần cũng không đủ thì doanh nghiệp phải bù đắp bằng cách dùng lợi nhuận sau thuế và các quỹ khác của công ty để bù đắp.

5.  Điều kiện kết chuyển thặng dư vốn trong công ty cổ phần để bổ sung vốn điều lệ

Việc bổ sung vốn điều lệ của công ty bằng cách kết chuyển thặng dư vốn cổ phần cần phải tuân thủ các điều kiện sau (theo quy định tại mục A phần II tiết đ điểm 1):

a. Đối với các khoản chênh lệch tăng giữa mức giá bán cổ phiếu thực tế với mức giá vốn mua vào của cổ phiếu quỹ, Công ty sẽ được sử dụng toàn bộ chênh lệch để làm tăng số vốn điều lệ của công ty. Trong trường hợp Công ty chưa bán hết cổ phiếu quỹ thì công ty chỉ được bổ sung tăng vốn điều lệ dựa vào việc sử dụng phần chênh lệch tăng giữa vốn thặng dư của công ty so với tổng giá vốn cổ phiếu quỹ chưa được bán.

Điều kiện kết chuyển thặng dư vốn để bổ sung vốn điều lệ

b. Với các khoản chênh lệch giữa giá bán và mệnh giá cổ phiếu được phát hành để tiến hành thực hiện đầu tư các dự án thì doanh nghiệp chỉ có thể được sử dụng để bổ sung vào vốn điều lệ sau 3 năm, tính từ thời điểm dự án đầu tư đã được hoàn thành cũng như đưa vào khai thác, sử dụng.

Đối với những khoản chênh lệch giữa mức giá bán thực tế với mệnh giá cổ phiếu được phát hành để cơ cấu lại nợ, bổ sung vốn kinh doanh cho công ty thì công ty chỉ được sử dụng các khoản chênh lệch này để bổ sung tăng vốn điều lệ sau 1 năm tính từ khi kết thúc đợt phát hành.

c. Những nguồn vốn thặng dư của công ty cổ phần nêu trên, sẽ được chia cho các cổ đông của công ty dưới hình thức cổ phiếu tính theo tỷ lệ sở hữu cổ phần riêng của từng cổ đông.

6. Trường hợp nào được phép điều chỉnh vốn điều lệ của công ty?

Trường hợp nào được phép điều chỉnh vốn điều lệ của công ty?

Theo thông tư số 19/20003/TT – BTC của Bộ tài chính ban hành, doanh nghiệp được phép tăng hoặc giảm vốn điều lệ của công ty.

6.1. Trường hợp công ty cổ phần được phép tăng vốn điều lệ

Theo quy định của bộ Tài chính đã ban hành, công ty được phép tăng vốn điều lệ trong trường hợp:

  • Trường hợp kết chuyển phần thặng dư vốn cổ phần để bổ sung tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, để kết chuyển thặng dư vốn trong công ty cổ phần cần phải đáp ứng đủ điều kiện về khoản chênh lệch tăng giữa giá bán thực tế so với giá vốn mua vào trong cổ phiếu quỹ. Khi đó, công ty sẽ có thể sử dụng tất cả phần chênh lệch này để tăng vốn điều lệ.
  • Phát hành cổ phiếu mới nhằm huy động vốn theo quy định của pháp luật. Kể cả trường hợp công ty cổ phần tiến hành cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp theo hình thức chuyển nợ sang thành góp vốn cổ phần theo như thỏa thuận giữa 2 bên doanh nghiệp và chủ nợ.

Trường hợp công ty cổ phần được phép tăng vốn điều lệ

  • Chuyển đổi trái phiếu đã được phát hành thành cổ phần. Trong trường hợp này, việc tăng vốn điều lệ công ty cổ phần sẽ chỉ được thực hiện khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện để chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu theo đúng quy định của pháp luật cùng với phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi.
  • Có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu.
  • Trường hợp phát hành cổ phiếu mới với mục đích thực hiện sáp nhập một bộ phận hoặc toàn bộ công ty khác vào công ty.

6.2. Trường hợp doanh nghiệp được phép điều chỉnh giảm vốn điều lệ

Công ty sẽ được phép điều chỉnh giảm vốn điều lệ công ty theo quy định của Bộ Tài chính trong trường hợp:

  • Công ty có thể giảm vốn điều lệ khi công ty thực hiện hoạt động kinh doanh nhưng thua lỗ trong vòng 3 năm liên tiếp, số lũy kế bằng 50% vốn của tất cả các cổ đông trở lên. Nhưng công ty chưa mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
  • Trường hợp công ty được thực hiện giảm vốn điều lệ khi nhu cầu về vốn của công ty giảm xuống. Có thể là do công ty thay đổi ngành nghề kinh doanh, tổ chức lại hoạt động kinh doanh với quy mô nhỏ hơn trước hoặc bị buộc phải hủy bỏ cổ phiếu quỹ.

Trường hợp doanh nghiệp được phép điều chỉnh giảm vốn điều lệ

Việc điều chỉnh để giảm vốn điều lệ cũng như thanh toán tiền cho các cổ đông trong công ty được thực hiện theo các hình thức:

  • Doanh nghiệp sẽ đứng ra mua và hủy bỏ một số lượng cổ phiếu quỹ nhất định có mệnh giá tương ứng với số vốn mà doanh nghiệp dự kiến sẽ điều chỉnh giảm theo đúng với phương án mà Đại hội cổ đông thông qua, bắt buộc phải hủy bỏ số cổ phiếu quỹ phải hủy. Với hình thức này thì doanh nghiệp sẽ không phải trả lại tiền cho các cổ đông của công ty.
  • Doanh nghiệp cũng sẽ thu hồi và hủy bỏ một số cổ phiếu nhất định của các cổ đông trong công ty với tổng mệnh giá cổ phiếu tương ứng với số vốn điều lệ giảm của công ty. Theo hình thức này, mỗi cổ đông của công ty sẽ bị thu hồi lại một số lượng cổ phần nhất định theo tỷ lệ giữa số vốn dự kiến điều chỉnh giảm so với tổng mức vốn điều lệ tại thời điểm trước khi điều chỉnh của công ty.

Số lượng cổ phần cần thu hồi của một cổ đông  = số lượng cổ phần cổ đông đó đang sở hữu x số vốn dự kiến giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ phải trả cho các cổ đông một khoản tiền nhất định được tính theo công thức chung:

Số tiền công ty cần phải trả cho một cổ đông = Số cổ phần thu hồi của từng cổ đông x mệnh giá của cổ phần.

  • Doanh nghiệp điều chỉnh giảm mệnh giá của cổ phần mà số lượng cổ phần không bị thay đổi. Với hình thức này, Công ty cổ phần sẽ thu hồi lại tất cả cổ phiếu của các cổ đông trong công ty và phát lại cổ phiếu mới với mệnh giá được điều chỉnh giảm theo số vốn điều lệ đã điều chỉnh giảm.

Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải chi trả lại cho các cổ đông một khoản tiền nhất định được tính theo công thức:

Số tiền cần phải trả cho một cổ đông = Số lượng cổ phần của cổ đông đó x mức giá chênh lệch giữa mệnh giá cũ với mệnh giá mới.

  • Căn cứ vào tình hình cụ thể của công ty, để điều chỉnh giảm vốn điều lệ, công ty cổ phần có thể áp dụng kết hợp các hình thức trên để có thể đưa ra được phương án điều chỉnh giảm vốn điều lệ phù hợp.

Bài viết trên đây chia sẻ thông tin về thặng dư vốn cổ phần. Bạn hãy tìm hiểu kỹ thông tin về vốn thặng dư để có thể chủ động hơn trong kinh doanh giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trở nên hiệu quả hơn. Bạn có thể truy cập vào website https://sinvest.vn/ để tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến đầu tư chứng khoán nhé!

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.