Khi giao dịch Forex, ngoài phí chênh lệch Spread và phí cố định Commission, Broker còn có một loại phí “ẩn” khác mà nhiều trader mới không hề biết tới sự tồn tại của nó. Đó là phí Swap!
Vậy phí Swap là gì? Tại sao lại có phí Swap? Cách tính phí Swap như thế nào khi giao dịch Forex? … Bạn sẽ được biết ngay sau đây.
1. Swap là gì?
Swap hay còn gọi là phí qua đêm, là số tiền mà nhà giao dịch sẽ phải trả hoặc nhận được khi giữ lệnh qua đêm.
Khi giao dịch Forex, phí qua đêm Swap chính là chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền tệ.
Nếu bạn là trader theo phong cách Scalping hoặc Day Trading thì đương nhiên bạn sẽ không cần quá quan tâm về phí qua đêm vì các lệnh của bạn đều được đóng trong ngày.
Còn nếu bạn là Swing trader thì bạn sẽ cần hiểu rõ loại phí này để ước lượng được chi phí “nuôi lệnh” trong thời gian nhất định, từ đó đưa ra các phương án hợp lý.
2. Tại sao lại có phí qua đêm Swap?
Bạn hãy hình dung:
- Khi chúng ta sở hữu 1 tài sản nào đó, chúng ta được hưởng lãi suất của tài sản đó – giống như đi gửi tiền tiết kiệm.
- Khi chúng ta vay mượn 1 tài sản nào đó, chúng ta phải chịu lãi suất của tài sản đó – giống như đi vay vốn ngân hàng.
Như vậy, khi bạn thực hiện lệnh Buy EURUSD thì giống như bạn đang đổi (bán) đồng USD để lấy về (mua) đồng EUR đúng không?
Vì giao dịch dịch Forex là giao dịch CFD (không sở hữu tài sản) nên lệnh Buy EURUSD của bạn có thể được hiểu là vay đồng USD để sở hữu đồng EUR => bạn chịu lãi suất đồng USD và được hưởng lãi suất đồng EUR.
Tương tự như vậy, nếu bạn đặt lệnh Sell cặp tiền AUDCAD => bạn đang vay đồng AUD để sở hữu CAD => chịu lãi suất AUD và hưởng lãi suất CAD.
Vì thế phí qua đêm Swap mới được gọi là chênh lệch lãi suất giữa các đồng tiền.
3. Thời gian áp dụng phí qua đêm Swap?
Phí Swap sẽ bắt đầu được tính khi lệnh của bạn được giữ qua một thời điểm trong ngày, thời điểm này là thời gian quy định của Broker.
Lưu ý quan trọng nhiều người nhầm lẫn: Thời gian bắt đầu tính phí Swap không phải thời gian kết thúc nến D1 (hay thời gian thị trường chuyển giao ngày mới).
Ví dụ với sàn Exness: Phí qua đêm (swap) sẽ được cộng/trừ vào số dư tài khoản của trader khi giữ lệnh qua đêm, được cộng/trừ vào 22:00 GMT+0 (tương đương với 5 giờ sáng ngày hôm sau theo giờ Việt Nam).
Tại sao phí Swap bị tăng gấp 3 lần?
Khi giao dịch Forex đôi lần bạn thấy phí Swap tăng cao bất thường đúng không?
Các ngày thứ 2, 3, 5, 6: phí Swap không có gì thay đổi. Riêng ngày thứ 4 phí Swap sẽ nhân 3 (X3) để bù lại cho 2 ngày cuối tuần (thị trường đóng cửa vào thứ 7 và CN)
4. Cách tính phí qua đêm Swap trong Forex
Phí Swap thực chất có 2 chiều là chiều mua (cho lệnh Buy) và chiều bán (cho lệnh Sell). Và không phải khi nào Swap cũng là 1 loại “phí” mà nó có thể là 1 khoản “thưởng” nữa. Hãy tiếp tục tìm hiểu ngay dưới đây.
Lãi suất của một đồng tiền có 2 loại: lãi suất gửi và lãi suất vay. Đây là cách gọi lãi suất dựa trên góc nhìn của chúng ta, còn đối với ngân hàng thì sẽ là lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Ví dụ khi bạn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng (tạm gác yếu tố về kì hạn), bạn nhận khoản lãi 7%/năm nhưng nếu bạn vay vốn ngân hàng thì bạn phải chịu lãi suất 9%/năm đúng không?
Vì thế khi áp dụng để tính Swap thì chúng ta phải lấy đúng giá trị lãi suất. Điều đó cũng giải thích cho việc tại sao hầu hết phí Swap 2 chiều đều âm, hoặc Swap chiều dương (nếu có) cũng luôn nhỏ hơn Swap chiều âm.
4.1. Phí qua đêm Swap đối với vị thế mua (lệnh Buy)
Khi MUA 1 cặp tiền tệ, phí Swap được tính bằng cách lấy lãi suất gửi của đồng tiền cơ sở (đồng tiền đầu tiên trong cặp) trừ đi lãi suất vay của đồng tiền định giá (đồng tiền thứ hai trong cặp).
Do đó, nếu lãi suất gửi của đồng tiền cơ sở cao hơn lãi suất vay của đồng tiền định giá, thì phí Swap sẽ dương. Ngược lại, nếu lãi suất gửi của đồng tiền cơ sở thấp hơn lãi suất vay của đồng tiền định giá, thì phí Swap sẽ âm.
Swap Buy X/Y = lãi suất gửi X – lãi suất vay Y
4.2. Phí qua đêm Swap đối với vị thế bán (lệnh Sell)
Khi BÁN 1 cặp tiền tệ, phí Swap được tính bằng cách lấy lãi suất gửi của đồng tiền định giá (đồng tiền thứ hai trong cặp) trừ đi lãi suất vay của đồng tiền cơ sở (đồng tiền đầu tiên trong cặp).
Do đó, nếu lãi suất gửi của đồng tiền cơ sở cao hơn lãi suất vay của đồng tiền định giá, thì phí Swap sẽ âm. Ngược lại, nếu lãi suất gửi của đồng tiền cơ sở thấp hơn lãi suất vay của đồng tiền định giá, thì phí Swap sẽ dương.
Swap Sell X/Y = lãi suất gửi Y – lãi suất vay X
4.3. Ví dụ cách tính phí qua đêm Swap
Nếu lãi suất của đồng EUR đang là: lãi suất gửi 1.75% và lãi suất vay 2%
Lãi suất của đồng USD đang là: lãi suất gửi 0% và lãi suất vay 0.5%
Như vậy phí Swap của EURUSD với 2 chiều là:
Swap Buy EURUSD = 1.75 – 0.5 = + 1.25%
Swap Sell EURUSD = 0 – 2% = – 2%
5. Phí Swap trên thực tế khi giao dịch Forex
Cách tính Swap phía trên là cách tính đơn giản và “lý thuyết”, còn thực tế thì sẽ khác nhiều chút đấy.
Nếu như lý thuyết thì có vẻ phí Swap sẽ không thay đổi cho đến khi lãi suất của một đồng tiền thay đổi phải không?
Câu trả lời là Không.
Phí qua đêm Swap của mỗi cặp tiền không phải là một thông số cố định. Phí Swap sẽ được Broker cập nhật tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ: Lãi suất ngân hàng trung ương, Tỷ giá quy đổi tiền tệ, chính sách của Broker ở hiện tại, …
Tôi sẽ đưa ra một số ví dụ cụ thể hơn nhé:
- Lãi suất ngân hàng trung ương của đồng USD tăng lên còn đồng EUR giữ nguyên thì đương nhiên khi buy EURUSD chúng ta sẽ chịu phí Swap cao hơn.
- Tôi hay gọi phí Swap là loại phí “ẩn” vì trader mới thường không biết sự tồn tại của nó. Nhiều Broker lừa đảo cũng lợi dụng điểm này để đưa ra chính sách spread thấp nhưng phí qua đêm “siêu to khổng lồ”, đến khi trader bị lỗ với phí swap lớn thì việc có cắt lệnh hay không cũng đã chịu thiệt hại rồi.
- => Cách check Broker lừa đảo cho người mới
- Hoặc Broker muốn thu hút thêm khách hàng giao dịch nên đưa ra chính sách miễn phí qua đêm (no swap) mặc dù các yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất thì không thay đổi. Broker sẽ coi phí Swap đó là chi phí marketing để thu hút khách hàng.
- Đây cũng chính là trường hợp của sàn Exness: miễn phí qua đêm áp dụng cho sản phẩm giao dịch là XAUUSD (Vàng) và Tiền điện tử kể từ đầu năm 2021.
Vậy nên cách tính phí Swap để bạn hiểu thêm về lý thuyết thôi, còn thực tế bạn sẽ cần check xem phí Swap của các sản phẩm mà bạn quan tâm hoặc đang giao dịch.
Sau đây tôi sẽ hướng dẫn bạn cách check phí Swap của một sản phẩm bất kỳ trên phầm mềm giao dịch nhé.
Cách xem phí Swap thì trên các nền tảng đều tương tự nhau thôi, tôi sẽ chỉ bạn cách xem Swap trên nền tảng MT4 và MT5 trên điện thoại nhé.
6.1. Cách xem phí qua đêm Swap trên MT4
Mở MT4 và đăng nhập tài khoản
Tại mục Giá => chạm vào cặp tiền => chọn Chi tiết
Trên MT4 sẽ hiện thông tin phí Swap lệnh Buy (Phí qua đêm cho lệnh mua) và phí Swap cho lệnh Sell (Phí qua đêm cho lệnh bán)
6.2. Cách xem phí qua đêm Swap trên MT5
Mở MT5 và đăng nhập tài khoản
Tại mục Giá => chạm vào cặp tiền => chọn Chi tiết
Trên MT5 sẽ hiện thông tin phí Swap lệnh Buy (Phí qua đêm cho lệnh mua), phí Swap cho lệnh Sell (Phí qua đêm cho lệnh bán) và thông tin ngày thứ Tư X3 phí Swap
7. Chiến lược phổ biến tận dụng Swap là gì?
Một số chiến lược thường thấy để tận dụng chiều có Swap dương của một cặp tiền.
- Chọn chiều có Swap dương để thực hiện lệnh dài hạn.
- Chọn cặp tiền có phí Swap dương rất lớn ở một chiều, vào lệnh trước giờ tính Swap 1 phút theo chiều Swap dương vào tối T4 để lãi X3 phí Swap, sau đó tuỳ tình hình thị trường xử lý lệnh tiếp.
- Chỉ vào lệnh theo hướng có Swap âm (hoặc âm lớn hơn) ???
Bên trên là 3 cách thường thấy nhất, và theo kinh nghiệm của tôi thì bạn KHÔNG NÊN áp dụng cách nào cả.
Với cách thứ nhất, việc giữ lệnh dài hạn theo hướng có Swap dương không phải là cách khôn ngoan để tạo ra lợi nhuận. Nếu bạn Buy mà gặp xu hướng dài hạn giảm thì số lãi từ Swap của bạn chỉ bé tí teo so với thua lỗ. Bạn cần xác định xu hướng để giao dịch chứ không phải vào lệnh theo hướng Swap dương.
Cách thứ 2, thường các cặp có Swap 1 chiều dương cực lớn (vài chục – vài trăm $/lot/đêm) thì spread của cặp tiền đó cũng rất cao (đây là các cặp tiền ít được giao dịch, thanh khoản kém). Tức là khi bạn vào lệnh ở cặp tiền này thì phí Swap dương dù có X3 cũng không trả nổi phí Spread đâu.
Cách thứ 3 khá là buồn cười, và thú thực tôi cũng đã từng nghĩ như vậy. Cơ sở của cách giao dịch này là vì tôi nghĩ rằng Broker đặt Swap Sell âm lớn hơn Swap Buy => hạn chế trader vào Sell => giá sẽ có xu hướng giảm để hầu hết trader thua lỗ. Bây giờ thì tôi đã biết xu hướng và Swap là hai thứ hoàn toàn độc lập. Cũng như lời khuyên cách thứ nhất, bạn hãy xác định xu hướng để vào lệnh chứ đừng vào lệnh dựa theo Swap nhé.
Tổng kết Phí qua đêm Swap
Bài viết này đã mang đến cho bạn hiểu được khái niệm phí qua đêm Swap là gì, thời gian áp dụng phí qua đêm, cách tính và cách kiểm tra trên nền tảng Metatrader.
Tôi muốn bạn hiểu về bản chất của Swap là gì chứ đừng trông đợi vào việc “lợi dụng” nó để kiếm lời. Hãy học hỏi các kiến thức chính thống và nỗ lực rèn luyện, rồi sẽ có ngày bạn đứng vững trên đôi chân của mình mà không cần “chiêu trò” gì cả.
Chúc bạn giao dịch thành công.
SINVEST.vn