Price Action là gì? Làm sao để giao dịch với Price Action hiệu quả?

Price Action là một trong các phương pháp giao dịch phổ biến được rất nhiều trader không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới lựa chọn.

Nếu như bạn chưa biết, trên thị trường luôn tồn tại các trường phái phân tích khác nhau, từ đó hình thành nên các trường phái giao dịch khác nhau.

Các trường phái phân tích phổ biến bao gồm: phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và phân tích tâm lý thị trường.

Mỗi phương pháp sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng, có khi phương pháp này sẽ phù hợp với điều kiện thị trường này mà không phù hợp với điều kiện thị trường khác và ngược lại.

Với tư cách là một trader fulltime và đã có 6 năm kinh nghiệm giao dịch tại thị trường này, tôi có lời khuyên dành cho bạn đó là: việc của chúng ta là tìm ra phương pháp nào phù hợp với bản thân mình nhất, chứ không phải đi tìm phương pháp giao dịch tốt nhất.

Thống nhất với nhau như vậy nhé.

Còn bây giờ thì cùng tìm hiểu cụ thể hơn về phương pháp Price Action nào.

1. Price Action là gì?

Price Action dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “hành động giá”, như vậy phương pháp giao dịch Price Action nghĩa là phương pháp giao dịch dựa vào phân tích diễn biến, hành động của giá trên biểu đồ.

Price Action là một phương pháp giao dịch thuộc trường phái phân tích kỹ thuật.

Phương pháp Price Action đặc biệt ở chỗ nó không cần dùng đến bất kỳ chỉ báo nào trên biểu đồ mà đơn thuần chỉ là chart trần (Naked chart) và phân tích thị trường thông qua hành động giá.

2. Price Action có phải là phương pháp giao dịch tốt nhất hay không?

Từ trước đến nay luôn có những tranh luận không ngớt diễn ra giữa các cộng đồng trader xoay quanh việc liệu phương pháp giao dịch nào tốt hơn phương pháp nào, phương pháp nào thực sự có thể mang lại lợi nhuận và phương pháp nào có thể tối ưu lợi nhuận hơn.

Thẳng thắn mà nói, theo quan điểm cá nhân tôi, không có phương pháp nào là tối ưu, không có phương pháp nào là tốt nhất và những tranh cãi xung quanh vấn đề này sẽ là những tranh cãi không có hồi kết.

Điều này chẳng khác gì những tranh cãi giữa fan của Christiano Ronaldo và Lionel Messi rằng ai xuất sắc hơn ai.

Tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng Ronaldo hay Messi đều cực kỳ xuất sắc, họ là những con người xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, nhưng không vì thế mà họ là những người hoàn hảo, họ vẫn có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, có lúc người này dành được danh hiệu, có lúc là người kia, có trận họ thi đấu hay, cũng có khi họ đánh mất phong độ …

Quay lại với trading, đó chính xác là những gì tôi muốn nói. Thực sự không có phương pháp nào là hoàn hảo và rất khó để nói cái nào tốt hơn cái nào.

Và tất nhiên:

Không có phương pháp nào là tốt nhất, kể cả với Price Action.

3. Công cụ Price Action sử dụng là gì?

Nói đến Price Action là nói đến một biểu đồ “trần trụi”, vậy thì một biểu đồ trần trụi có gì cho phương pháp Price Action sử dụng?

Chúng ta có Nến và Đường đi của Nến. Chấm hết.

Bạn đã hình dung ra sự đơn giản của phương pháp Price Action rồi chứ.

Mỗi cây nến đều mang trong đó một số lượng thông tin nhất định, vì vậy, nhìn vào cây nến chúng ta sẽ thấy được câu chuyện hình thành nên cây nến đó.

Và khi cây nên này nối tiếp cây nến kia (không phải 3 ngọn nến lung linh đâu nhé), thì chúng ta sẽ có “Đường đi của nến”. Và đường đi này chứa toàn bộ thông tin mà một nhà giao dịch Price Action cần.

Nói tóm lại, phương pháp Price Action là một phương pháp giao dịch tối giản hóa mọi thứ.

Bạn không cần đến các indicator chẳng chịt trên biểu đồ.

4. Cách sử dụng phương pháp Price Action như thế nào?

Bạn đang thắc mắc một biểu đồ trống thì chúng ta nhìn vào cái gì để dự đoán thị trường sẽ diễn biến thế nào đúng không?

Tất nhiên là phải có cách. Price Action không sử dụng các chỉ báo với những thông số phức tạp, thứ mà phương pháp này sử dụng chính là:

#1. Các vùng hỗ trợ và kháng cự (Support & Resistance)

Hỗ trợ & kháng cự có thể nói là một trong những khái niệm cơ bản quen thuộc nhất và được sử dụng nhiều nhất đôi với một trader theo trường phái phân tích kỹ thuật.

Hỗ trợ và kháng cự là những vùng giá xuất hiện trong quá khứ mà tại đó chúng ta thấy thị trường phản ứng (đảo chiều hoặc di chuyển chậm lại trước khi tiếp tục xu hướng)

#2. Các đường trendline

Tương tự như Hỗ trợ & kháng cự, Trendline cũng là một công cụ phân tích kỹ thuật rất phổ biến và được hầu hết các trader sử dụng.

Trendline có nghĩa là đường xu hướng, nói cho dễ hiểu thì đây là đường thẳng nối các đỉnh (hoặc các đáy) của một đoạn xu hướng giảm (hoặc tăng) sao cho phần lớn giá của xu hướng hiện tại nằm dưới (hoặc trên) đường thẳng đó.

Lý thuyết thì rất dễ, nhưng phần lớn các trader đều đang sử dụng trendline một cách rất máy móc khiến cho hiệu quả đạt được là không cao.

#3. Các mô hình nến đảo chiều

Các mô hình nến đảo chiều thực chất chính là các bộ mô hình nến Nhật, khi chúng xuất hiện sẽ báo hiệu cho chúng ta biết về dấu hiệu đảo chiều của thị trường.

Tất nhiên không có gì là tuyệt đối, và việc xuất hiện mô hình nến đảo chiều cũng không nói lên rằng “thị trường chắc chắn sẽ đảo chiều”.

Việc của chúng ta là tìm ra cách để có thể sử dụng công cụ này một cách hiệu quả nhất.

Trên thực tế, có rất nhiều trader giao dịch trên thị trường và chỉ sử dụng mô hình nến đảo chiều. Mô hình nến đảo chiều là thứ vũ khí rất lợi hại của các trader theo phương pháp Price Action.

#4. Các mô hình giá

Nếu như mô hình nến là tập hợp của một hoặc nhiều thanh nến tạo thành thì mô hình giá là tập hợp của nhiều mức giá. Tập hợp này hình thành nên những mẫu hình nhất định mà chúng ta gọi là MÔ HÌNH GIÁ.

Với mô hình nến, thường các trader quan tâm và sử dụng nhiều hơn các bộ mô hình nến đảo chiều và ít khi sử dụng các mô hình nến tiếp diễn.

Còn đối với mô hình giá thì chúng ta không sử dụng đến khái niệm ĐẢO CHIỀU hay TIẾP DIỄN, bởi chính hình thái của mô hình sẽ cho ta thấy diễn biến tiếp theo của thị trường luôn.


Trên đây là 4 công cụ chính mà một nhà giao dịch theo phương pháp Price Action thường sử dụng đến.

Nếu bạn muốn theo đuổi trường phái giao dịch Price Action thì bạn cần phải hiểu rõ bản chất và sử dụng thành thạo những công cụ nói trên.

5. Những ưu điểm và nhược điểm của phương pháp giao dịch Price Action là gì?

Cái gì mà chẳng có 2 mặt tốt xấu của nó. Nếu Price Action mà chỉ toàn điểm tốt thì thế giới đã đổ xô chạy theo phương pháp này và chẳng ai thèm quan tâm đến những phương pháp giao dịch khác nữa rồi.

Như tôi đã nói trước đó, trong thị trường Forex, không có phương pháp giao dịch nào là tốt nhất, chỉ có phương pháp giao dịch phù hợp nhất mà thôi.

Đó là lý do khiến chúng ta cần phải soi xét kỹ những ưu điểm và nhược điểm của một phương pháp giao dịch, để đánh giá xem với những ưu nhược điểm đó thì phương pháp này có phù hợp với mình hay không.

Vậy những ưu điểm và nhược điểm của phương pháp Price Action là gì. Tôi sẽ trình bày ngay sau đây.

5.1. Ưu điểm của phương pháp giao dịch Price Action

Ưu điểm #1: Đơn giản

Đây là điều dễ thấy nhất mỗi khi nhìn vào biểu đồ của một trader Price Action. Mọi thứ đều rất clean.

Điều này không đến từ sự bảo thủ của trader hay sự bảo thủ của phương pháp Price Action mà thực sự là phương pháp này không cần đến những chỉ báo bổ trợ cho nó, một khi bạn thành thạo Price Action, bạn sẽ chỉ cần một Naked Chart là đủ.

Ưu điểm #2: Theo sát thị trường

Tại sao tôi nói rằng Price Action theo sát thị trường?

Nếu như bạn đã từng sử dụng các Indicator, hẳn bạn cũng nhận thấy rằng hầu hết các Indicator đều đi sau thị trường, lý do là bởi Indicator cần những thời điểm cụ thể và những mức giá cụ thể xác lập để hoàn thành những thông số đặc trưng của nó.

Price Action thì khác, thị trường di chuyển đến đâu, nó sẽ đưa cho bạn tín hiệu đến đó. Việc của một trader Price Action chỉ là chờ đợi tín hiệu thỏa mãn hệ thống giao dịch và vào lệnh.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khi bạn giao dịch với Price Action, bạn sẽ nhìn ra những dấu hiệu của thị trường sớm hơn so với những phương pháp giao dịch khác.

5.2. Nhược điểm của phương pháp giao dịch Price Action

Nhược điểm #1: Mang tính chủ quan của trader

Có một sự thật như thế này, nếu bạn giao dịch với Indicator, thì chính Indicator sẽ là đứa chỉ cho bạn biết giá đã vào vùng hỗ trợ hay chưa, vào vùng kháng cự hay chưa, lúc nào thì vào lệnh, lúc nào thì thoát lệnh.

Gần như bạn không cần phải suy nghĩ quá nhiều nếu như bạn áp được một phương pháp giao dịch cho Indicator đó.

Với phương pháp Price Action thì khác, sẽ không có người bạn nào nói cho bạn biết những điều đó ngoại trừ chính bạn.

Nhược điểm #2: Rất khó để tự động hóa hệ thống giao dịch theo Price Action

Dễ hiểu thôi, từ nhược điểm #1 đã kéo theo nhược điểm #2. Bởi vì bạn phải là người theo dõi diễn biến thị trường, bao giờ thị trường cho thấy một dấu hiệu nào đó, bạn sẽ phải là người phát hiện ra và phân tích nó.

Chính vì thế, không ai khác, bạn sẽ phải là người trực tiếp thực hiện các giao dịch của mình. Rất khó để có thể tự động hóa được.

Đấy chính là những ưu và nhược điểm của Price Action.

Tiếp theo, tôi sẽ hướng dẫn cho bạn các chiến lược thường được sử dụng với phương pháp Price Action.

6. Hướng dẫn chiến lược giao dịch với Price Action

Có rất nhiều chiến lược được sáng tạo nên bởi những trader Price Action, tuy nhiên dù sử dụng chiến lược nào thì bạn cũng cần phải hiểu rõ bản chất của chiến lược đó để có thể vận dụng một cách linh hoạt trong từng điều kiện thị trường chứ không phải sử dụng một cách máy móc.

Sau đây là những chiến lược giao dịch bằng phương pháp Price Action phổ biến và dễ sử dụng nhất.

6.1. Price Action #1: Chiến lược Pullback

Nếu bạn chưa biết Pullback là gì, hãy đọc bài viết về Pullback tại đây.

Để sử dụng chiến lược giao dịch này, bạn cần:

  1. Xác định được những vùng hỗ trợ và kháng cự quan trọng
  2. Chờ đợi giá phá qua khu vực đó
  3. Chờ đợi giá hồi về
  4. Vào lệnh và chờ đợi

Ví dụ 1: giao dịch cặp XAUUSD với Price Action:

Bước 1: Xác định các vùng hỗ trợ và kháng cự

Xác định các vùng hỗ trợ và kháng cự

Bước 2: Chờ đợi diễn biến giá tại các vùng hỗ trợ & kháng cự

Chờ đợi diễn biến giá tại các vùng hỗ trợ & kháng cự

Như hình ảnh trên, giá đã phá qua vùng kháng cự.

Bước 3: Bạn cần chờ giá hồi về test lại vùng kháng cự đã bị phá.

Giá đã test lại vùng kháng cự ban đầu.

Bạn có thể thấy, giá đã hồi về test lại vùng kháng cự ban đầu. Đây cũng là vùng bạn có thể vào một lệnh BUY, kháng cự sau bị phá đã trở thành vùng hỗ trợ cho giao dịch này.

Bước 4: Chờ đợi kết quả

Diễn biến lệnh sau khi vào

Đây là thành quả sau khi thực hiện một lệnh Buy vàng rất đẹp dựa theo phương pháp Price Action với Pullback.

6.2. Price Action #2: Chiến lược mô hình nến đảo chiều

Đối với chiến lược này, bạn cần thực hiện theo các bước sau:

  1. Xác định các vùng hỗ trợ và kháng cự quan trọng
  2. Chờ đợi giá đi đến và phản ứng tại các vùng hỗ trợ hoặc kháng cự đó
  3. Chờ đợi mô hình nến đảo chiều xuất hiện
  4. Vào lệnh và chờ đợi

Ví dụ 2: Giao dịch cặp XAUUSD với Price Action

Bước 1: Xác định các vùng hỗ trợ và kháng cự quan trọng

Các vùng hỗ trợ và kháng cự được vẽ như trong hình

Bạn có thể nhìn thấy các vùng hỗ trợ và kháng cự đã được xác định.

Bước 2: Chờ đợi giá đến và phản ứng tại các vùng hỗ trợ hoặc kháng cự này

Theo dõi diễn biến của giá

Chúng ta quan sát giá đi đến vùng kháng cự và đã phá qua vùng này.

Bước 3: Chờ đợi mô hình nến đảo chiều xuất hiện

Xuất hiện cây nến Hammer đảo chiều

Sau khi chờ đợi, bạn có thể thấy đã xuất hiện một cây nến Hammer, nếu như bạn chưa biết thì Hammer chính là một trong số những mô hình nến đảo chiều phổ biến.

Sau khi xuất hiện mô hình nến đảo chiều này, bạn có thể vào một lệnh Buy XAUUSD ở đây.

Bước 4: Chờ đợi kết quả

Kết quả sau khi vào lệnh

Đây là kết quả sau khi vào lệnh.

Chỉ 2 ví dụ như trên để bạn hiểu hơn về cách vận hành phương pháp giao dịch Price Action.

7. Những quan niệm sai lầm mà các trader mới sử dụng Price Action thường mắc phải

#1. Nhìn Price Action đơn giản vậy nên chắc là dễ sử dụng

Đúng là Price Action thoạt nhìn thì rất đơn giản, sử dụng cũng đơn giản nhưng sử dụng hiệu quả thì không hề đơn giản một chút nào.

Bạn cần phải thành thạo những công cụ của Price Action và thực sự hiểu được bản chất của chúng.

#2. Price Action có tỉ lệ thắng cao hơn các chỉ báo khác

Từ trước đến nay không có bất kỳ thống kê nào cho thấy tỉ lệ thắng của các phương pháp giao dịch trên thị trường Forex cả.

Tỉ lệ thắng cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào trader sử dụng phương pháp đó như thế nào. Nếu trader đó thành thạo Ichimoku hay MACD hơn thì đương nhiên sẽ sử dụng các chỉ báo đó tốt hơn so với Price Action.

#3. Dùng Price Action chỉ cần nhớ mô hình nến đảo chiều là đủ

Mô hình nến hay cách xác định các vùng hỗ trợ và kháng cự là những điều cơ bản mà một trader Price Action cần phải thành thạo, nó không quyết định được bạn giao dịch có lợi nhuận hay không.

Bạn cần nhiều hơn thế. Bạn cần có hệ thống giao dịch phù hợp, bạn cần hiểu được diễn biến thị trường, bạn cần kiểm soát được tâm lý giao dịch của mình… Như thế bạn mới có thể tìm kiếm được lợi nhuận.

8. Các câu hỏi thường gặp về phương pháp Price action

Sau đây là một số câu hỏi tôi thường nhận được về phương pháp giao dịch Price Action.

#1. Ad Sin sử dụng phương pháp giao dịch nào?

Tôi cũng sử dụng Price Action, cụ thể là chiến lược giao dịch theo xu hướng kết hợp phân tích đa khung thời gian.

#2. Có nên kết hợp Price Action với các Indicator khác không?

Câu trả lời là: tùy thuộc vào bạn. Không có NÊN hay KHÔNG NÊN.

Không có cái gì là tuyệt đối trên thị trường Forex, vì thế, việc sử dụng Price Action cũng không nhất thiết phải là một biểu đồ không có bất kì cái gì. Nếu bạn sử dụng Price Action kết hợp với một chỉ báo nào đó mà cho kết quả tốt hơn thì…tại sao không?

Có thể sẽ có ai đó nói rằng: Như vậy thì đâu còn được gọi là Price Action nữa.

Ai quan tâm? Tôi không quan tâm đến điều đó.

#3. Những ai thường sử dụng phương pháp Price Action?

Theo tôi được biết, phương pháp giao dịch Price Action được sử dụng nhiều nhất bởi các trader cá nhân.

#4. Các quỹ lớn có giao dịch theo Price Action không?

Các quỹ lớn không sử dụng Price Action, phương pháp hiệu quả nhất mà các quỹ đầu tư lớn trên thế giới đang sử dụng chính là HFT – High Frequency Trading (Giao dịch tần suất cao).

HFT có các hệ thống máy tính cho phép thực hiện giao dịch (mua, bán, hủy lệnh) trong mili-giây. Tất nhiên, những trader cá nhân như chúng ta không thể sử dụng được kiểu giao dịch này.

9. Kết luận về Price Action

Tựu chung lại, Price Action là một trong những phương pháp giao dịch phổ biến và được nhiều trader lựa chọn nhất hiện nay.

Để có thể sử dụng tốt Price Action, bạn cần thành thạo các công cụ của phương pháp này như Support & Resistance, trendline, Mô hình nến đảo chiều.

Bạn cần phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu và backtest cho đến khi thực sự có được một kết quả giao dịch tốt trong thời gian đủ dài.

Chúc bạn thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.