Bài diễn văn của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp Đại học Stanford năm 2005

Bài diễn văn này được phát biểu tại lễ tốt nghiệp Đại học Stanford vào ngày 12 tháng 6 năm 2005.

Bài dịch được thực hiện bởi Sinvest.vn.

Nguồn: Channel Youtube Stanford

“Tôi rất lấy làm vinh dự được ở đây hôm nay với các bạn, tại một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới. Tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học nào cả. Thật sự mà nói, đây là lần gần nhất tôi được đứng ở một lễ tốt nghiệp đại học. Hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn 3 mẩu chuyện của cuộc đời tôi, không có gì to tát cả, chỉ là ba mẩu chuyện thôi.

#1. Sự kết nối giữa các điểm

Tôi đã bỏ học tại Đại học Reed sau 6 tháng đầu tiên, nhưng sau đó tôi “chày cối” ở lại thêm 18 tháng nữa trước khi tôi thực sự nghỉ hẳn. Vậy tại sao tôi lại bỏ học?

Chuyện này bắt đầu từ trước khi tôi được sinh ra, mẹ tôi là một sinh viên, chưa kết hôn. Bà quyết định cho nhận nuôi tôi và quả quyết rất mạnh mẽ là tôi sẽ phải được nhận nuôi bởi những người đã tốt nghiệp đại học. Mọi thứ đã được sắp đặt rằng tôi sẽ được nhận nuôi lúc sinh ra bởi một cặp vợ chồng luật sư. Không may là khi tôi chào đời, họ quyết định ở phút cuối rằng họ thật sự muốn nhận nuôi một bé gái. Vậy là việc tìm bố mẹ cho tôi được cho vào danh sách chờ.

Cuộc gọi lúc nửa đêm, mẹ tôi hỏi rằng “tôi có một bé trai không mong muốn, chị có muốn nhận nuôi nó không?”

Họ nói “Tất nhiên là chúng tôi muốn”.

Sau đó mẹ tôi phát hiện ra rằng người mẹ nuôi này chưa từng tốt nghiệp đại học còn người bố thậm chí còn chưa tốt nghiệp trung học. Mẹ tôi quyết định từ chối ký vào đơn nhận nuôi, tuy nhiên bà ấy đã mủi lòng khi vài tháng sau đó, bố mẹ nuôi hứa rằng lúc tôi lớn lên sẽ cho tôi đi học đại học.

Đó là xuất phát điểm của cuộc đời tôi!

17 năm sau đó, tôi đã đi học đại học, nhưng lại ngây thơ chọn một trường đại học đắt đỏ ngang ngửa với Stanford. Bố mẹ nuôi thuộc tầng lớp lao động, số tiền kiếm được chỉ để chi trả học phí của tôi. Sau 6 tháng, tôi chẳng thấy ích lợi gì từ việc đi học, tôi không biết tôi thật sự muốn làm gì trong cuộc đời và tôi không chắc học đại học có thể giúp tôi gỡ rối.

Trong khi ở đây, tôi đã tiêu hết số tiền mà bố mẹ dành dụm cả đời. Bởi vậy, tôi quyết định bỏ học và tin tưởng là mọi thứ sẽ ổn thôi, nói thật là tôi có một chút lo sợ vào thời gian đó, nhưng khi nhìn lại thì đó là một trong những quyết định sáng suốt nhất của tôi. Giây phút tôi bỏ học, là tôi có thể ngừng ngay những lớp học nhàm chán và bắt đầu tham gia vào những thứ thú vị hơn.

Steve Jobs

Mọi thứ không phải lúc nào cũng lãng mạn, tôi không có phòng ký túc xá, vì vậy tôi ngủ trên sàn nhà, trong phòng của bạn tôi. Tôi thu gom và bán lại lon Coca với giá 5 cent để mua đồ ăn. Tôi đi bộ 7 dặm dọc thành phố để nhận một bữa ăn vào mỗi tối Chủ nhật tại đền Hare Krishna, tôi rất thích những bữa ăn đó.

Và phần lớn những gì tôi vấp phải khi đi theo sự tò mò và trực giác của mình hóa ra lại là trải nghiệm vô giá sau này. Hãy để tôi kể cho bạn một ví dụ:

Reed College thời điểm đó có lẽ là trường đại học hướng dẫn viết thư pháp tốt nhất cả nước. Tất cả Poster trong những buổi cắm trại, tất cả những nhãn mác trên từng cái ngăn kéo đều được viết tay bằng chữ thư pháp rất đẹp.

Bởi vì tôi đã bỏ học, nên tôi đã không còn phải theo học những lớp học bình thường nữa. Tôi quyết định sẽ tham gia lớp học thư pháp, tại đây tôi đã học được về kiểu chữ Serif và Sans-serif, về việc căn chỉnh khoảng cách giữa các chữ cái khác nhau, về cách thiết kế kiểu chữ tuyệt vời. Tôi nhận ra thư pháp là một thứ vô cùng đẹp đẽ, mang tính lịch sử, một môn nghệ thuật tinh tế theo cách mà khoa học không thể lý giải nổi, tôi tìm thấy sự hấp dẫn ở bộ môn này.

Tôi đã không áp dụng được bất cứ điều gì vào thực tế cuộc sống từ những kiến thức được học, nhưng 10 năm sau, khi chúng tôi thiết kế máy tính Macintosh đầu tiên, tất cả kiến thức đã trở lại với tôi.

Chúng tôi áp dụng chúng vào Mac, đó là máy tính đầu tiên với kiểu chữ rất đẹp. Nếu tôi không bao giờ tham gia vào một lớp học nào ở trường đại học, thì có lẽ Mac sẽ không bao giờ có được kiểu chữ đa dạng và tỷ lệ tốt như thế.

Kể từ khi Windows sao chép Mac, gần như mọi chiếc máy tính đều có những phông chữ đó. Nếu tôi không bỏ học, thì chắc chắn tôi sẽ không tham gia một lớp thư pháp nào cả và máy tính xách tay có thể sẽ không có những kiểu chữ tuyệt vời như bây giờ.

Tất nhiên, tôi không thể nhìn thấy sự liên kết nào khi tôi đang học đại học, nhưng nó lại rất rõ ràng khi nhìn lại 10 năm sau đó.

Một lần nữa, bạn không thể kết nối các điểm diễn ra trong tương lai. Bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại quá khứ.

 

Vì vậy bạn phải tin tưởng rằng, các điểm bằng một cách nào đó sẽ kết nối với nhau trong tương lai của bạn.

Bạn phải có niềm tin vào một điều gì đó – Định mệnh, cuộc đời, luật nhân quả hay bất cứ điều gì. Bởi vì việc tin tưởng rằng các điểm sẽ kết nối với nhau tạo thành con đường, tạo cho bạn sự tự tin để đi theo trái tim bạn, thậm chí khi nó dẫn bạn ra khỏi lối mòn và điều đó tạo nên sự khác biệt.

#2. Tình yêu và sự mất mát

Tôi đã rất may mắn vì tìm được thứ mình thật sự yêu thích khi còn rất trẻ. Woz và tôi bắt đầu gây dựng Apple tại gara của bố mẹ khi tôi 20 tuổi. Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ và chỉ trong vòng 10 năm Apple phát triển từ một cái Gara chỉ có 2 người thành một công ty 2 tỷ đô, với hơn 4,000 nhân viên.

Chúng tôi vừa tung ra một sản phẩm rất sáng tạo – Macintosh. Trước đó 1 năm, tôi vừa tròn 30 tuổi. Và tôi bị sa thải. Làm thế nào mà tôi lại có thể bị sa thải ở công ty mà tôi gây dựng nên?

Chà, khi Apple phát triển, chúng tôi đã thuê một người mà tôi nghĩ là rất tài năng để điều hành công ty với tôi. Năm đầu tiên, mọi thứ diễn ra tốt đẹp, nhưng sau đó tầm nhìn về tương lai của chúng tôi bắt đầu khác biệt. Khi đó, hội đồng quản trị đã đứng về phía anh ta, và ở tuổi 30, tôi bị sa thải, một sự sa thải công khai. Tất cả những gì tôi dành tâm huyết suốt cả thanh xuân bỗng nhiên biến mất và bị tàn phá.

Steve Jobs
“Đôi lúc cuộc sống đánh vào đầu bạn bằng một viên gạch, đừng mất niềm tin. Tôi bị thuyết phục rằng thứ duy nhất giữ tôi tiếp tục là tôi yêu việc mình làm” – Steve Jobs

Trong suốt vài tháng sau đó, tôi không biết phải làm gì cả. Tôi cảm thấy tôi đã làm những người đi trước phải thất vọng, rằng tôi đã đánh rơi cái gậy khi nó vừa được trao đến tay tôi.

Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce, cố gắng xin lỗi họ vì đã làm mọi việc trở nên quá tệ. Tôi là một người thất bại rất công khai, và tôi thậm chí đã nghĩ đến việc chạy trốn khỏi thung lũng. Nhưng một cái gì đó từ từ bắt đầu ló dạng trong tôi – tôi vẫn yêu những gì tôi đã làm. Bước ngoặt của sự kiện tại Apple đã không thay đổi một chút nào. Tôi đã bị sa thải, nhưng tôi vẫn còn yêu. Và vì vậy tôi quyết định làm lại từ đầu.

Tôi đã không nhận ra rằng hóa ra việc bị đuổi khỏi Apple là điều tuyệt vời nhất. Sự nặng nề của thành công đã được thay thế bằng sự nhẹ nhàng khi bắt đầu lại, ít chắc chắn hơn về mọi thứ. Nó giải phóng tôi để tôi bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời.

Trong 5 năm tiếp theo, tôi thành lập một công ty tên là NeXT, một công ty khác tên Pixar và yêu một người phụ nữ tuyệt vời sẽ trở thành vợ tôi. Pixar tiếp tục tạo ra bộ phim hoạt hình sử dụng công nghệ máy tính đầu tiên trên thế giới – Toy Story, và hiện là hãng phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới. Trong một bước ngoặt đáng chú ý, Apple đã mua NeXT, tôi trở lại Apple và những công nghệ chúng tôi phát triển tại NeXT là trung tâm của thời kỳ phục hưng của Apple. Laurene và tôi có một gia đình trên cả tuyệt vời.

Tôi khá chắc chắn rằng điều này sẽ không xảy ra nếu tôi không bị đuổi khỏi Apple. Đó là một liều thuốc đắng nhưng rất cần thiết.

Đôi lúc cuộc sống ném vào đầu bạn một viên gạch, đừng mất niềm tin. Tôi đã bị thuyết phục rằng thứ duy nhất giữ tôi tiếp tục là tôi yêu công việc của mình.

Bạn phải tìm ra được đam mê của bạn, nó đúng trong công việc lẫn tình yêu.

Công việc sẽ chiếm một phần lớn trong cuộc sống của bạn, cách duy nhất để khiến bạn thật sự hài lòng là làm công việc mà bạn tin nó vĩ đại, và cách duy nhất để làm được việc vĩ đại đó là yêu những việc bạn làm.

Nếu bạn chưa tìm ra được công việc yêu thích của mình, hãy tìm kiếm nó, đừng “ngồi yên một chỗ”, những việc còn lại là của trái tim bạn, bạn sẽ cảm nhận được khi bạn tìm ra nó. Cũng giống như bất cứ mối quan hệ tốt đẹp nào, nó sẽ ngày càng tốt đẹp hơn theo năm tháng. Hãy tiếp tục tìm kiếm, đừng dừng lại.

#3. Cái chết

Khi 17 tuổi, tôi đã đọc được một câu nói “Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của bạn, một ngày nào đó bạn chắc chắn sẽ đúng”. Nó đã gây ấn tượng mạnh với tôi, và kể từ đó suốt 33 năm qua, tôi đã nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi bản thân mình: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, mình có muốn làm những điều sắp làm hôm nay không?” Và khi nhận ra câu trả lời là “không” trong nhiều ngày liên tiếp, tôi biết mình cần thay đổi điều gì đó.

Nhớ rằng tôi sẽ sớm chết là công cụ quan trọng nhất mà tôi đã từng dùng để đưa ra những lựa chọn lớn trong cuộc sống. Bởi vì hầu hết mọi thứ – tất cả những kỳ vọng bên ngoài, tất cả niềm tự hào, tất cả nỗi sợ hoặc thất bại – tất cả những điều này sẽ biến mất khi bạn đối mặt với cái chết, chỉ còn những gì thực sự quan trọng. Nhớ rằng bạn sẽ chết là cách tốt nhất tôi biết để tránh cái bẫy của suy nghĩ rằng bạn còn gì đó để mất. Bạn đã thực sự trơ trụi. Vậy nên không có lý do để không đi theo trái tim của bạn.

Khoảng một năm trước tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Tôi đã chụp X-quang vào lúc 7:30 sáng và nó cho thấy một khối u trên tuyến tụy trong khi tôi thậm chí còn không biết tuyến tụy là gì. Các bác sĩ nói với tôi rằng đây gần như là một loại ung thư không thể chữa được, và tôi nên chuẩn bị tinh thần sẽ sống không quá 3-6 tháng.

Bác sĩ của tôi khuyên tôi nên về nhà và sắp xếp công việc của mình theo thứ tự, đó là mật mã bác sĩ để nói rằng “hãy chuẩn bị cho cái chết”. Điều đó có nghĩa là bạn cố gắng nói với con bạn mọi thứ mà bạn nghĩ rằng bạn sẽ có 10 năm tới để nói với chúng, chỉ trong vài tháng. Điều đó có nghĩa là đảm bảo mọi thứ được sắp đặt sao cho dễ dàng nhất có thể cho gia đình bạn. Điều đó có nghĩa là nói lời từ biệt.

Tôi sống với sự chẩn đoán đó cả ngày. Tối hôm đó, tôi được làm xét nghiệm chẩn đoán, nơi họ đặt ống nội soi xuống cổ họng, qua dạ dày và vào ruột của tôi, đặt một cây kim vào tuyến tụy của tôi và lấy một vài tế bào từ khối u. Tôi được cho uống thuốc an thần, nhưng vợ tôi đã ở đó nói với tôi rằng khi họ nhìn các tế bào dưới kính hiển vi, các bác sĩ bắt đầu khóc vì đây là một dạng ung thư tuyến tụy rất hiếm có thể chữa được bằng phẫu thuật.

Tôi đã phẫu thuật và bây giờ tôi vẫn ổn.

Đây là lần gần nhất tôi phải đối mặt với cái chết và tôi hy vọng nó là lần duy nhất tôi có trong vài chục năm nữa. Đã trải qua điều đó, bây giờ tôi có thể nói điều này với bạn một cách chắc chắn hơn một chút, cái chết là một khái niệm hữu ích nhưng hoàn toàn trí tuệ: Không một ai muốn chết. Ngay cả những người muốn lên thiên đàng cũng không muốn chết để đến đó. Cái chết là điểm đến tất cả chúng ta, không ai có thể trốn khỏi nó, đó là điều hiển nhiên. Cái chết là một phát minh vỹ đại của cuộc sống, nó là tác nhân thay đổi cuộc sống.

Nó dọn sạch cái cũ để nhường đường cho cái mới. Ngay bây giờ người mới là bạn, nhưng một ngày nào đó, không lâu nữa, bạn sẽ dần trở thành người cũ và bị xóa đi. Xin lỗi vì đã quá lời, nhưng đó là sự thật.

Thời gian là hữu hạn, vì vậy đừng lãng phí nó bằng cách sống cuộc đời của người khác, đừng mãi mắc kẹt bởi định kiến trong suy nghĩ của người khác, đừng để những suy nghĩ ồn ào của người khác nhấn chìm giọng nói bên trong của bạn. Và điều quan trọng nhất là hãy can đảm để làm theo trái tim và trực giác của bạn, bằng cách nào bạn sẽ biết những gì bạn thực sự muốn trở thành. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.

Steve Jobs

Khi tôi còn trẻ, có một ấn phẩm tuyệt vời có tên là “The Whole Earth Catalog”, đó là một trong những cuốn “kinh thánh” thuộc thế hệ của tôi. Nó được viết bởi một người có tên Stewart Brand, cách đây không xa ở Menlo Park, và anh ấy đã mang nó vào cuộc sống với sự thơ mộng của mình. Đó là vào cuối những năm 1960, trước khi máy tính cá nhân và máy tính để bàn xuất hiện, vì vậy tất cả đều được viết bằng máy đánh chữ, kéo và máy ảnh Polaroid. Nó giống như Google trên giấy, 35 năm trước khi Google xuất hiện. Nó rất lý tưởng được làm bởi những công cụ thô sơ và hữu ích.

Stewart và nhóm của ông đã phát hành một số trang của “The Whole Earth Catalog”, và sau đó khi phát hành hết cả ấn phẩm, họ đã tung ra một ấn phẩm cuối cùng. Đó là giữa những năm 1970, và tôi bằng tuổi bạn. Trên bìa sau của ấn phẩm cuối cùng đó có một bức ảnh về một con đường ở miền quê vào sáng sớm, nếu bạn là một người phiêu lưu thì bạn có thể sẽ tưởng tượng mình đang đi trên con đường đó. Phía dưới bức ảnh là dòng chữ “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”, đó là thông điệp để nói lời chia tay của họ với độc giả. “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ” – Tôi đã luôn ước điều đó với bản thân mình.

Và giờ, lễ tốt nghiệp bắt đầu cho sự khởi đầu mới, tôi ước điều đó cho tất cả các bạn “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”.

Cảm ơn các bạn rất nhiều!

Tác giả: Sin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.